Tâm lý hôn nhân: Nắm bắt nhu cầu, thỏa mãn cho nhau

Khi nói về đất nước, người ta chúc đất nước được “độc lập, tự do, hạnh phúc”. Nhắc đến gia đình, ta cầu mong có một gia đình “ấm no, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc”. Ai cũng mong có một gia đình hạnh phúc, một cuộc sống hạnh phúc.

Nhưng hạnh phúc gia đình là gì? Đó là sự thỏa mãn mọi nhu cầu cần thiết của mọi thành viên trong gia đình mà không làm tổn thương đến nhu cầu của người khác.

Gia đình hạnh phúc được gọi là “tổ ấm”. Sao lại là “tổ ấm”?. Có lẽ người Việt coi mình là con cháu Lạc hồng (loài chim Lạc), mà chim thì có tổ, mà cái tổ ấy ấm áp, tránh được cái lạnh của mùa đông xứ Bắc ( nếu phát tích ở phương Nam, chắc sẽ gọi là tổ mát hay tổ thoáng)

Vậy con người thường có những nhu cầu gì?

Maslow, nhà tâm lý học người Mỹ đã nghiên cứu và sắp xếp thang thứ bậc các nhu cầu cơ bản của con người. Nhu cầu là những đòi hỏi phải được thỏa mãn (nếu có cũng được, không cũng không sao, không gọi là nhu cầu, mà gọi là mong muốn, ước muốn).

          Nhu cầu được đáp ứng, tạo ra tâm cảm thoải mái, dễ chịu, được gọi là HẠNH PHÚC.

          Nhu cầu không được thỏa mãn sẽ sinh ra nhiều chuyện.

Hình ảnh: Tháp nhu cầu của con người do nhà tâm lý học Abraham Maslow (Mỹ) xây dựng và phát triển.

+ Nhóm nhu cầu sinh lý: Bao gồm ăn uống, mặc, ở và nhu cầu tình dục (ăn, ngủ, đụ, ị được xếp vào hàng tứ khoái của con người), trong đó nhu cầu tình dục là thứ nhu cầu phức tạp, đa diện mạo, biến tướng, biến thể nhiều nhất. Tuy nhiên, các nhu cầu sinh lý của con người không đơn thuần là “có cho gọi là có”, mà đều phải nâng lên thành “nghệ thuật” (nghệ thuật ẩm thực, thời trang, nghệ thuật phòng the…)

Nhu cầu sinh lý có tính leo thang, được voi đòi tiên. Khi đói thì chỉ cần “no ấm”, khá giả cần “ngon miệng”, giàu có thì đòi hỏi “ngon mắt, ngon miệng, nghệ thuật trình bày, chế biến…”.

Tình dục cũng vậy. Còn trẻ, có người cho “ấy” là tốt rồi, cốt giải tỏa căng thẳng và sinh con đẻ cái. Sau đó, tình dục phải đạt khoái cảm, tôn trọng, thăng hoa, dễ chịu, sáng tạo mới lạ như nghệ thuật như biểu diễn. Việc thỏa mãn nhu cầu sinh lý tưởng đơn giản, nhưng cũng là cả một “công trình nghệ thuật”.

+ Nhu cầu an toàn: Khi nhóm nhu cầu sinh lý cơ bản được thỏa mãn nhất định, nảy sinh nhóm nhu cầu an toàn. An toàn loại nhu cầu tâm lý, nhưng không trừu tượng.

– Ăn phải sạch, phải lành, uống phải bổ, phải không độc hại.

– Ở phải chắc chắn, kiên cố. Mặc phải mát mẻ, dễ chịu.

– Tâm lý phải thoải mái, không sợ hãi, không bị đánh đập, bạo lực, ngược đãi, yên tâm không bị đuổi, bị bỏ rơi. Đi làm phải ổn định, lâu dài, không bị cắt biên chế, hủy hợp đồng, lương lậu phải tạm đủ sống…

Tự hỏi:

– Một người vợ suốt ngày bị chồng dọa “tát cho một phát bây giờ” , “tôi sẽ ly hôn cô”, “đuổi về nơi sản xuất”; một anh chồng lúc nào cũng nơm nớp lo vợ lục ví, kiểm tra điện thoại, giấu trộm tiền, theo dõi, rình rập, gài bẫy để bắt quả tang có chuyện gì khuất tất không… có cảm giác an toàn không? Những đứa con sống trong gia đình bố mẹ đánh cãi nhau suốt ngày, nơm nớp lo bố mẹ ly hôn, mình sẽ ở với ai, ở đâu … có an toàn không? Người bố lúc nào cũng thượng cẳng chân, hạ căng tay với con (kể cả với vợ) có tạo sự an toàn cho họ không?

– Khi không có cảm giác an toàn, con người sẽ lo lắng, sợ hãi, tìm cách thoát hiểm, né tránh càng nhiều càng tốt. Người chồng lo không đáp ứng cho người vợ, sẽ bị cô ta bóc mẽ, xúc phạm, sẽ tìm cách né tránh “chuyện đó” để khỉ bị cảm giác bất an.

+ Nhu cầu xã hội: Là những nhu cầu liên quan đến được yêu thương, tôn trọng, được vui chơi thoải mái, giao tiếp tự nhiên, được tham gia vào các hoạt động bên ngoài.

          Một người vợ bị chồng ép bỏ việc, cấm giao lưu với đàn ông, ngăn cản tham gia công tác xã hội, cấm về bên ngoại; người chồng bị vợ quản thúc, ngăn cản chơi với nhóm người nọ, người kia, không cho chồng được giao lưu bạn bè; cấm con cái chơi với bạn, tham gia các hoạt động của trường, của lớp… không thể gọi là thỏa mãn nhu cầu xã hội được.

+ Nhu cầu được tôn trọng, ghi nhận, kính nể:  Đây là một trong những nhóm nhu cầu tâm lý “cao cấp” của con người. Ai cũng mong nhận được sự khen ngợi, động viên, thừa nhận, ghi nhận, biết ơn… từ những người khác trong gia đình. Thái độ coi thường, hạ gục, nhục mạ, bỏ rơi… dẫn tới thiếu hụt cảm giác được tôn trọng, ghi nhận, dẫn tới việc con người phải thỏa mãn nó bằng nhiều cách khác nhau (tự sướng trên mạng, thể hiện ở chỗ khác, với người khác, tìm người khác biết thỏa mãn nhu cầu này…)

+ Nhu cầu được thể hiện cái tôi sáng tạo của mình. Tuy nhiên, đây là nhóm nhu cầu “cao cấp” nhất, không phải người nào cũng có. Đó là việc được tự do thể hiện lòng tự tôn, tự trọng, giá trị sống, lối sống, tôn trọng sự khác biệt, sáng tạo, chấp nhận sự thật, có khoảng trời riêng, được tôn trọng tự do cá nhân, quyền con người…

Kết luận: Để có cuộc sống hạnh phúc trong gia đình, mọi thành viên cần cố gắng sao cho đáp ứng và được thỏa mãn càng nhiều nhu cầu của con người càng tốt. Mọi nhu cầu không được thỏa mãn sẽ dần tới bất an, bất ổn, bất hòa, khó có thể có cuộc sống hạnh phúc!

Hình minh họa: Hạnh phúc là khi chia sẻ cho nhau biết nhu cầu của mỗi bên và cố gắng đáng ứng những nhu cầu chính đáng ấy!

MỘT SỐ LÝ GIẢI

1/ Một người vợ được yêu thương, chiều chuộng, bao bọc bởi người chồng giàu có, nhưng vẫn ngoại tình lén lút với anh lái xe của chồng là bởi chị vợ chưa được thỏa mãn nhu cầu tình dục từ người chồng.

2/ Anh chồng có vợ trẻ, khỏe, đẹp, xinh, ngoan, kiếm tiền giỏi, nuôi con khỏe, dạy con ngoan, mạnh mẽ trong tình dục… vẫn bỏ bê vợ đi lén lút quan hệ với một cô gái “chẳng ra gì”, hèn kém, thua xa người vợ, lý do là anh ấy chưa được thỏa mãn nhu cầu được đề cao, tôn trọng, được ngưỡng mộ, được thỏa mãn “cái tôi” của mình khi ở nhà.

3/ Đứa con được bố mẹ lắp cho máy tính nối mạng ở nhà, những vẫn trốn ra quán nét để chơi điện tử, bởi ở nhà chơi một mình, trẻ chưa được thỏa mãn nhu cầu giao lưu, tiếp xúc với bạn bè (bạn chơi), không được hò hét ho, hô lớn, thậm chí nói tục cho sướng miệng…

4/ Cô vợ có chồng ngoan, hiền, chịu khó, giỏi kiếm tiền, tình dục khỏe…vẫn chết mê chết mệt với mấy em trai dẻo mỏ, khéo tán, bởi cô vợ thiếu cảm giác được chia sẻ, tâm sự, trò chuyện, khen ngợi, chưa được đáp ứng nhu cầu sáng tạo, làm mới trong “tình trường”.

5/ Cô gái trẻ, đẹp, cặp bồ với chú đại gia lớn tuổi (lấy ông nhiều tuổi, giàu có…) vì cô ấy cần tiền để thỏa mãn những nhu cầu tối thiểu như ăn, mặc, ở, hoặc nhu cầu xã hội cao cấp hơn như giúp cô ấy được đóng phim, được biểu diễn, được in sách. Anh chồng trẻ chấp nhận cặp bồ với chị giám đốc/ sếp nữ già, xấu, vì cảm thấy mình chưa an tâm với vị trí, công việc và thu nhập, mong được nâng đỡ.

6/ Vợ chồng thường xuyên cãi vã vì nhiều lý do vặt vãnh bởi nhu cầu của họ không giống nhau. Cô vợ có nhu cầu được ăn diện, làm đẹp, nhưng anh chồng thấy điều đó không cần thiết, chỉ cần “cơm ăn ba bữa, quần áo mực cả ngày” là đủ. Cô vợ tốt tiền mua hoa tươi, hai ngày thay lọ hoa trong phòng khách một lần, tốn tiền ngang với tiền đi chợ, vì cô ấy là “dân thành phố từ nhỏ”, có nhu cầu ấy, ngược lại anh chồng quy mọi thứ ra miếng ăn, bởi anh sinh ra và lớn lên trong nghèo khó, coi trọng sự ăn hơn sự thưởng thức hoa…

7/ Khi quan hệ tình dục, anh chồng đang có nhu cầu bức xúc, cần giải tỏa, nên anh ta làm vội vàng, miễn sao xuất được là được. Ngược lại, chị vợ mong được ôm ấp, thủ thỉ, vỗ về, mớn trớn, nhâm nhi, sáng tạo. Chính vì thế cảm thấy bực bội khi anh chồng kết thúc nhanh và lăn ra ngủ.

8/ Người lớn (cha mẹ) thường xuyên mói mình đáp ứng mọi nhu cầu của con, nhưng thực chất chỉ đáp ứng một phần rất nhỏ nhu cầu của con, còn lại là thỏa mãn nhu cầu của bản thân mình.

– Ép con ăn là không tôn trọng nhu cầu “không muốn ăn” của trẻ.

– Ép con ăn cái mình cho là bổ béo, nhưng con không thích là áp đặt, không tôn trọng nhu cầu tự quyết, tự lựa chọn của con.

– Cấm con không tham gia các “câu lạc bộ vớ vẩn”, tập trung học tốt Toán, Văn, Tiếng Anh… hay cấm con giao lưu với bạn A, bạn B (vì theo mình bạn ấy xấu) là không tôn trọng nhu cầu xã hội của trẻ.

– Đánh đập, dọa nạt, cấm hãm… là tước đoạt nhu cầu an toàn của trẻ, sẽ bị chúng phản kháng.

9/ Ông sếp có nhu cầu được ra oai, được thể hiện cái tôi quá lớn, nhưng gặp những nhân viên chọc ngoáy, chặn họng, cản đường sẽ sinh ra bực bội, ghét bỏ người nhân viên ấy. Ông ấy sẽ ưa những nhân viên biết nhún mình, biết khen ngợi, động viên, vuốt ve mơn trớn cái tôi quá mạnh của ông ấy.

10/ Trong tranh luận, hai vợ chồng đều nóng, đều to tiếng, đều bảo vệ cái tôi của mình, dẫn tới xung đột nhu cầu (kẻ nói phải có người nghe, người nhún có kẻ nhảy, anh nóng tính cần cô dịu mát…) dẫn tới rạn nứt, đổ vỡ.

Hình minh họa: Sống chung hòa hợp là một nghệ thuật.

CHÚNG TA BẤT HẠNH VÌ

1/ Nhu cầu không được thỏa mãn.

2/ Nhu cầu khác nhau, vênh nhau.

3/ Tìm các cách thỏa mãn nhu cầu không chính đáng.

4/ Mong thỏa mãn những nhu cầu chưa xứng tầm.

ĐỂ HẠNH PHÚC.

1/ Hiểu nhu cầu là quan trọng, cố gắng chia sẻ nhu cầu của mình cho người khác biết và gắng vì nhau mà đáp ứng, thỏa mãn nhu cầu của nhau.

2/ Tôn trọng sự khác biệt trong nhu cầu, bởi nhu cầu không ai giống ai.

3/ Tìm cách thỏa mãn nhu cầu chính đáng, không làm tổn thương, tổn hại người khác, điều chỉnh nhu cầu cho phù hợp với nhau.

4/ Cố gắng hết sức mà không thể đáp ứng được hãy chấp nhận hoặc buông bỏ.

Đinh Đoàn

Hình ảnh: Nhóm chuyên gia tư vấn trong chương trình “Đánh thức bản lĩnh đàn ông”